Chức năng, nhiệm vụ
Chức năng
Phòng Quản lý Đào tạo sau đại học có chức năng tham mưu cho Ban Giám hiệu về chiến lược tổng thể hoạt động đào tạo sau đại học; tổ chức thực hiện và quản lí các hoạt động đào tạo sau đại học của nhà trường.
Nhiệm vụ, quyền hạn
Là phòng chức năng với nhiệm vụ trọng tâm giúp nhà trường xây dựng và củng cố các năng lực thiết yếu để thực hiện ưu tiên chiến lược về đảm bảo chất lượng đào tạo (trong đó có đào tạo sau đại học) phù hợp với từng giai đoạn phát triển tổng thể của nhà trường.
1. Hàng năm, dựa trên nhu cầu thực tế, kế hoạch chiến lược của nhà trường, phối hợp với Phòng Khảo thí - Đảm bảo chất lượng xây dựng kế hoạch chỉ tiêu các loại hình đào tạo sau đại học trình Bộ duyệt. Cùng với các phòng chức năng khác chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực để tiến hành tuyển sinh và kiểm soát chất lượng đầu vào cho mỗi loại hình. Thiết lập các quan hệ hợp tác nhằm duy trì và mở rộng qui mô đào tạo sau đại học tại Trụ sở chính của Trường và tại các địa phương trên cơ sở năng lực của Nhà trường.
2. Tham mưu cho BGH và điều phối việc tổ chức xây dựng chương trình, tiến hành các thủ tục hành chính có liên quan (đăng ký mở mã ngành, đề nghị chỉ tiêu, định mức, chiêu sinh,v.v.) cho các chuyên ngành đào tạo mới theo nhu cầu của xã hội và phù hợp với năng lực của nhà trường. Điều phối việc tổ chức cập nhật, hoàn thiện chương trình đào tạo sau đại học, bao gồm các hệ CKI, CKII, ThS và TS.
3. Phối hợp với Phòng Khảo thí - Đảm bảo chất lượng tiến hành các hoạt động quản lý chất lượng đào tạo cụ thể:
a) Điều phối việc biên soạn giáo trình đào tạo, biên dịch các tài liệu tham khảo, giáo trình nước ngoài, tổ chức in ấn để cung cấp cho tủ sách sau đại học của Trường, học viên, giảng viên và bạn đọc (phối hợp với các bộ môn chuyên ngành và thư viện).
b ) Theo dõi, đánh giá kết quả học tập của các học viên,
c) Theo dõi đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên,
d) Giám sát chất lượng và tiến độ thực hiện các đề tài, công trình nghiên cứu của học viên,
đ) Hợp tác chặt chẽ với các cơ sở thực địa, liên hệ và phát triển các cơ sở thực địa/thực tập mới để đáp ứng nhu cầu đào tạo hiện nay và trong tương lai,
e) Cùng với các phòng chức năng khác chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực để tiến hành chấm thi tốt nghiệp, bảo vệ luận án.
f) Tổng kết, đánh giá chương trình đào tạo của các loại hình, nếu cần thiết sẽ tiến hành các nghiên cứu về đào tạo để hướng tới nâng cao chất lượng.
g) Tham mưu cho Ban giám hiệu về những vấn đề quản lý chất lượng đào tạo.
4. Phối hợp với Phòng Khảo thí - Đảm bảo chất lượng xây dựng hệ thống cơ chế quản lý chất lượng đào tạo sau đại học cho trường trên cơ sở những qui định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo; phối hợp với Phòng Khảo thí - Đảm bảo chất lượng, tổ chức thực hiện các hoạt động tăng cường chất lượng để đáp ứng tiêu chí hội nhập các tổ chức quốc tế về liên thông và cấp chứng chỉ chất lượng đào tạo (accreditation).
5. Điều phối và tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý hành chính liên quan tới công tác đào tạo sau đại học, bao gồm:
a) Quản lí và lưu trữ hồ sơ, công văn giấy tờ có liên quan đến công tác đào tạo và quản lí đào tạo sau đại học.
b) Soạn thảo các qui chế, qui định cụ thể của Trường về đào tạo sau đại học. Hướng dẫn thực hiện các văn bản có liên quan đến công tác đào tạo sau đại học.
c) Quản lý điểm số và kết quả học tập của các học viên,
d) Đối chiếu và xác nhận giờ giảng cho giảng viên, phối hợp với Phòng TCCB đề xuất phương án thanh toán và đề nghị thanh toán giờ giảng cho cán bộ trong và ngoài trường.
6. Ứng dụng các công nghệ, các tiếp cận đào tạo SĐH mới, tùy thuộc vào nhu cầu và chiến lược dài hạn của nhà trường, ví dụ như các công nghệ Đào tạo từ xa, E-learning Điều phối và tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể liên quan tới công việc này.
7. Phối hợp với Phòng HTQT trong việc lập kế hoạch hợp tác, trao đổi quốc tế về đào tạo sau đại học, hoạch định các chiến lược dài hạn về hợp tác đào tạo quốc tế, bao gồm: trao đổi chuyên gia, giảng viên, sinh viên; điều phối/tổ chức các khóa học ngắn hạn hoặc chương trình đào tạo liên kết quốc tế, tổ chức quản lý chất lượng đào tạo sinh viên và nghiên cứu viên quốc tế nếu có; tìm kiếm các đối tác quốc tế trong đào tạo.
8. Phối hợp với các phòng ban có liên quan (Phòng Quản lý Đào tạo Đại học, Phòng QLKHCN, HTQT) và các bộ môn để tham gia cung cấp các dịch vụ tư vấn đào tạo (đánh giá nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch tổng thể cho các chương trình, các môn học cụ thể, biên soạn giáo trình, tổ chức khóa học, trao đổi giảng viên, hỗ trợ kỹ thuật, v.v.)